Trong làm ăn có lợi phải làm là điều bình thường nhưng điểm bất ổn là dường như cả người trồng rừng lẫn các DN đều đang rơi vào tình trạng làm ăn chộp giật.
Có lẽ chưa năm nào người dân trồng rừng tại đây lại vui như năm nay, bởi hiện giá gỗ rừng được đẩy lên khá cao, từ 1,33 đến 1,37 triệu đồng/tấn. Theo tính toán chi tiết, với mức giá hiện tại khi trừ hết mọi chi phí, người trồng rừng vẫn lãi ròng gần 40 triệu đồng/ha. Đương nhiên, khi giá gỗ lên cao, không thiếu người trồng rừng sẵn sàng bán gỗ non để thu lời.
Lý do khiến giá gỗ rừng trồng đột ngột “sốt” là bởi thị trường Trung Quốc đang thu mua mặt hàng dăm gỗ với mức giá khá cao là 137 USD/tấn dăm khô, khiến 19 nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định đều vào guồng “chạy đua”. Thông thường, sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm tại tỉnh Bình Định chỉ cung ứng được khoảng 50% nhu cầu của các nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn. Năm nay, nhu cầu tăng cao nên nhiều khi DN tăng giá mà vẫn không thể mua nổi gỗ nguyên liệu hoặc phải chấp nhận mua gỗ non mới trồng được 3-4 năm với sản phẩm kém chất lượng, dễ bị thị trường NK bắt bẻ.
Đại diện một DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ khá lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định nhận định, mặc dù hiện Trung Quốc đang thu mua dăm gỗ giá cao, DN có lời nhưng chỉ cần Trung Quốc bất ngờ hạ giá mua xuống khoảng 5-10 USD/tấn thì chắc chắn có nhiều nhà máy sẽ phá sản. Đó là bởi giá mua nguyên liệu đầu vào cao ngất, giá bán ra lại hạ thấp, trong khi DN vẫn phải trả lãi vay ngân hàng.
Trong làm ăn có lợi phải làm là điều bình thường nhưng trong câu chuyện này điểm bất ổn là dường như cả người trồng rừng lẫn các DN đều đang rơi vào tình trạng làm ăn chộp giật. Giá gỗ cao đột ngột nên nhiều hộ nông dân sẵn sàng đốn hạ rừng non đem bán. Về phần DN, cũng vì lời lớn nên phải “chạy đua” cạnh tranh, thậm chí bất chấp rủi ro có thể dẫn tới phá sản nếu thị trường Trung Quốc có biến động. Dễ thấy, mọi động thái của cả người trồng rừng lẫn DN đều phụ thuộc rất lớn vào thị trường “láng giềng” vốn được nhận định là tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do cả song phương lẫn đa phương. Dự báo, bên cạnh nhiều cơ hội, những áp lực đặt ra cho các DN sẽ không nhỏ. Trong bối cảnh đó, nếu vẫn giữ lối làm ăn chộp giật, tin rằng chưa cần thị trường Trung Quốc biến động, việc làm ăn thua lỗ, thậm chí dẫn tới phá sản chỉ còn là sớm muộn. Lúc này, nỗ lực xây dựng lối làm ăn bài bản, đầu tư vào khoa học công nghệ, dần nâng cao tính chủ động và sức cạnh tranh là “con tính” quan trọng không chỉ với riêng ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ mà là của hầu hết các ngành hàng nông sản nói chung.
Nguồn:Thanh Nguyễn/Báo Hải Quan